Sau khi đế quốc Mỹ ném bom phá hoại Đài Mễ Trì, Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc đó chủ trương xây dựng một Đài phát thanh mới, có công suất lớn, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác tuyên truyền đối nội, đối ngoại, phục vụ cho hai nhiệm vụ lớn trong thời kì cách mạng Việt Nam, đó là: công cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng miền Bắc đi lên XHCN. Vào thời kì đó, Liên bang Xô viết (Liên Xô) là một quốc gia có nền công nghiệp phát triển hùng hậu bậc nhất thế giới, là thành trì của hệ thống các nước XHCN và luôn giúp đỡ Việt nam trong mọi vấn đề, vì vậy Việt Nam đã đề nghị chính phủ Liên Xô giúp thực hiện chủ trương xây dựng đài phát thanh và đã được Nhà nước Liên Xô chấp thuận. Tháng 2 năm 1973, công trình xây dựng Đài phát sóng phát thanh lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam thời kỳ đó đã được hai Nhà nước Việt Nam – Liên Xô chính thức ký kết xây dựng. Công trình này được gọi là Công trình 273.
Sau khi các văn bản được hai bên ký kết, các công việc đã được xúc tiến một cách khẩn trương.
- Tháng 7 năm 1973: Công việc khảo sát địa điểm được tiến hành, địa điểm được lựa chọn là vùng đất thuộc thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn, Thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội. Cùng thời gian này, các chuyên gia Liên Xô cùng các kỹ sư Việt Nam cũng bắt tay vào công việc thiết kế công trình.
- Tháng 10 năm 1973 : Thành lập Ban kiến thiết công trình.
- Tháng 01 năm 1975: Tiếp nhận vật tư thiết bị.
- Ngày 01 tháng 6 năm 1976: Chính thức khởi công xây dựng công trình.
- Ngày 19 tháng 5 năm 1979: Phát thử máy sóng ngắn 100-1.
- Ngày 02 tháng 9 năm 1979: Phát thử máy sóng ngắn 100-2 và máy sóng trung 500-1.
- Ngày 07 tháng 9 năm 1979: Phát thử máy sóng trung 500-2.
Sau 4 năm xây dựng, ngày 14 tháng 5 năm 1980 công trình 273 đã được khánh thành và được mang tên là Đài Phát sóng Phát thanh VN1.
Theo thiết kế, tổng số các máy phát được lắp đặt tại Đài VN1 là 4 máy, gồm 2 máy phát sóng ngắn công suất mỗi máy là 100 kW, 2 máy phát sóng trung công suất mỗi máy là 500 kW. 2 máy sóng trung có khả năng chạy chế độ cộng hai máy để đưa ra công suất 1000 kW. Tất cả các máy phát này đều do Liên Xô sản xuất.
Từ ngày đầu hoạt động của Đài VN1 các máy phát được phân công nhiệm vụ như sau: Một máy sóng trung 500 kW phát sóng đối nội, tần số 680 KHz (sau này đổi thành tần số 675KHz), máy phát sóng trung 500 kW còn lại phát sóng đối ngoại, tần số 1010KHz đổi hướng phát Bắc và Nam theo giờ. Sóng 1010khz ngừng phát từ ngày 1/7/1998. Sóng 675KHz ngừng phát từ 14/11/1997. Hai máy sóng ngắn làm nhiệm vụ phát đối ngoại tới nhiều vùng khác nhau trên thế giới: Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông, Viễn Đông…
Sau này Đài VN1 tiếp tục được bổ sung thêm các máy phát sóng khác. Tháng 2 năm 2004, hai máy phát RIZ – 100 KW do Croatia sản xuất được lắp thêm đã chính thức đưa vào khai thác. Tháng 8 năm 2008 tại Đài VN1 đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy mới thuộc dự án phủ sóng Biển Đông, khi xây dựng xong có ba máy phát sóng ngắn 100KW cùng hệ thống phi đơ, anten do Trung Quốc sản xuất được lắp đặt. Ngày 29 tháng 8 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ấn nút phát lệnh phát sóng Biển Đông.
Tháng 2 năm 2018 Đài Phát sóng Phát thanh VN1 được đổi tên là “Đài phát sóng đối ngoại” với chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức như sau:
Vị trí và chức năng.
- Đài phát sóng đối ngoại là đơn vị trực thuộc Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh Truyền hình, thực hiện chức năng quản lý, khai thác hệ thống truyền dẫn, phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
- Đài Phát sóng đối ngoại là đơn vị dự toán cấp ba có con dấu và tài khoản riêng.
Nhiệm vụ và quyền hạn.
- Xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ truyền dẫn tín hiệu và phát sóng của Đài đối ngoại trình Giám đốc Trung tâm xem xét quyết định.
- Quản lý, điều hành, khai thác an toàn, đạt chỉ tiêu kỹ thuật, kế hoạch truyền dẫn, phát sóng được giao. Quản lý và ký hợp đồng thuê các đơn vị có đủ năng lực phát sóng chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam tại các trạm phát sóng theo Quyết định giao nhiệm vụ của Giám đốc Trung tâm.
- Tổ chức đo đạc, kiểm tra chất lượng thiết bị theo định kỳ, thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, lắp đặt thiết bị phục vụ cho yêu cầu truyền dẫn tín hiệu và phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
- Tham gia các đề tài khoa học của Trung tâm, của Đài Tiếng nói Việt Nam theo kế hoạch được giao. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, viên chức của đơn vị.
- Lập kế hoạch, tổ chức quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí, tài sản, vật tư được phân cấp; Hạch toán kế toán toàn bộ hoạt động của đơn vị theo đúng luật Ngân sách, luật kế toán và các qui định hiện hành.
- Tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ có thu theo đúng qui định của Pháp luật. Riêng đối với việc cho thuê tài sản, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng chỉ thực hiện sau khi báo cáo và được Giám đốc Trung tâm phê duyệt.
- Xây dựng và thực hiện công tác quốc phòng, an ninh, dân quân tự vệ bảo vệ an toàn mục tiêu; Đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, phòng chốn bão lụt theo qui định của Pháp luật và của Trung tâm.
- Phối hợp với Phòng tổ chức cán bộ để thực hiện các chế độ chính sách nghỉ hưu, nghỉ mất sức, các loại bảo hiểm, thi đua khen thưởng đối với cán bộ, viên chức và người lao động của đơn vị.
- Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, sắp xếp và phân công công tác đối với cán bộ, viên chức và người lao động của đơn vị.
- Lập báo cáo bổ sung, thay thế lao động, đề xuất cán bộ phụ trách các tổ công tác và đề nghị xét lên lương hàng năm của cán bộ, viên chức đơn vị mình trình Giám đốc Trung tâm xem xét quyết định.
Lãnh đạo và cơ cấu tổ chức.
Lãnh đạo Đài phát sóng đối ngoại do Giám đốc phụ trách, giúp việc cho Giám đốc có một Phó Giám đốc.
Đài phát sóng đối ngoại có 04 tổ:
- Tổ quản lý khai thác;
- Tổ kỹ thuật;
- Tổ cơ điện lạnh;
- Tổ hành chính tổng hợp.
Do luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho nên Đài Phát sóng đối ngoại nhiều lần được khen tặng phần thưởng cao quí.