Ngày 2/9/1945, với máy phát sóng 300W đặt tại số 4 phố Đinh Lễ – Hà Nội và dùng đường dây đồng trầm làm anten, các cán bộ kỹ thuật của Bộ Thông tin Tuyên truyền đã phát sóng chương trình phát thanh đầu tiên, truyền đi bản Tuyên ngôn Độc Lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng Trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự ra đời của bộ phận kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng phát thanh đầu tiên, tiền than của Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh Truyền hình ngày nay.
Là một đơn vị trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm có chức năng tham mưu cho Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam về định hướng phát triển kỹ thuật, công nghệ phát thanh, truyền hình và truyền thông đa phương tiện; quản lý và khai thác các hệ thống truyền dẫn phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam; đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng và mở rộng vùng phủ sóng các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam đến với đông đảo khan thính giả trong nước và quốc tế.
Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị kỹ thuật chuyên dùng của Đài tiếng nói Việt Nam đã phát triển rất lớn và rộng khắp. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý, khai thác 62 đài, trạm phát sóng trải rộng trên phạm vi cả nước từ đồng bằng tới các vùng núi cao, vùng biên giới, hải đảo.
Truyền thống anh hùng đã trở thành điểm tựa để tập thể cán bộ viên chức hôm nay khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Thời lượng phát sóng các chương trình không ngừng tăng lên, chất lượng chương trình ngày càng được nâng cao, vùng phủ sóng ngày càng được mở rộng. Hòa chung với quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, tập thể các bộ viên chức Trung tâm Kỹ thuật phát thanh truyền hình đã có nhiều sáng kiến đổi mới, sáng tạo; ứng dụng nhiều công nghệ và kỹ thuật hiện đại vào hoạt động sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao. Trung tâm đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ IP trong truyền dẫn tín hiệu phát thanh truyền hình; nghiên cứu thiết kế và lắp đặt mạng kiểm tra, giám sát và điều khiển từ xa các trạm phát sóng; nghiên cứu và triển khai xây dựng ứng dụng VOV Media trên nền tảng iOS và Android cho phép các thiết bị di động có thể thu, nghe các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài TNVN; nghiên cứu chế tạo máy thu thông minh cho phép thu tín hiệu phát thanh từ nhiều nguồn khác nhau như phát sóng mặt đất, mạng internet, mạng 3G; tiếp tục nghiên cứu lựa chọn tiêu chuẩn phát thanh số phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam… Hàng năm, Trung tâm đều thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ với các nội dung nghiên cứu bám sát thực tế sản xuất, nhiều kết quả nghiên cứu có tính khả thi và đã được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao.
Song song với các hoạt động kỹ thuật, cán bộ viên chức Trung tâm tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động từ thiện tại nhiều vùng miền trên cả nước: ủng hộ đồng bào miền Trung, vùng núi phía Bắc bị lũ lụt; đóng góp xây dựng trường cho các học sinh tiểu học tại Lào Cai, Nghệ An; trao tặng hệ thống truyền thanh tại khu di tích Kim Liên, Nam Đàn và Khu di tích Truông Bồn, Đô Lương, Nghệ An; đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm viếng các liệt sỹ tại các Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Đường 9…
Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, dù mang tên gọi nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào của Cách mạng Việt Nam, Trung tâm luôn làm tròn sứ mệnh được giao và được phong tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều năm được tặng Cờ thi đua Chính phủ. Đặc biệt năm 2018, Trung tâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những phần thưởng cao quý đó chính là động lực để tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm phấn đấu, nối dài trang thành tích vẻ vang, đảm bảo cho cánh sóng Tiếng nói Việt Nam mãi vươn cao, bay xa.